Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Cụ thể, Điều 61 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP nêu: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông; Quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định.
Nghị định cũng nêu rõ, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Quảng cáo diecut trên xe buýt dán maquette lên một phần kính xe
Quy định xử phạt này đã khiến dư luận có những ý kiến trái chiều. Bởi, từ lâu nay, người dân vẫn vô tư quảng cáo trên các phương tiện của mình hoặc công ty mình. Hơn nữa, quảng cáo trên ô tô từ lâu đã là một phương thức được các quốc gia phát triển đánh giá cao bởi tính linh hoạt, đa chiều.
Chiều 28/4, khi được hỏi về việc sẽ bị phạt nếu quảng cáo sai quy định trên phương tiện giao thông, nhiều người đã tỏ vẻ bất ngờ và hoang mang.
Trong khi đó, anh Lê Văn Hùng (Giảng Võ – Hà Nội) lại thắc mắc: “Diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo như trong quy định là bao nhiêu? Nếu cấm quảng cáo thì tất cả các xe ô tô đều vi phạm”. Bên cạnh đó, anh Hùng cũng băn khoăn nếu quảng cáo không phản cảm thì tại sao lại phạt? Anh Ngô Trung Hiếu (Hà Nội) cho biết: “Giờ tôi mới biết đến việc dán quảng cáo trên xe ô tô không đúng quy định là bị phạt. Nhưng tên công ty, logo công ty và số điện thoại phía sau có vi phạm pháp luật không? Vì cá nhân tôi và nhiều người khác nữa muốn tự quảng cáo cho dịch vụ cá nhân của mình?”.
Quảng cáo trên xe taxi ở hai cánh cửa sau và ô kính tam giác
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, căn cứ tại Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 về Quảng cáo trên phương tiện giao thông thì các phương tiện giao thông không được quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc, nhằm đảm bảo việc lưu thông an toàn của các phương tiện giao thông. Bởi đây là một trong những nguyên nhân có thể khiến người điều khiển phương tiện bị “phân tâm”, dễ gây ra tai nạn giao thông đường bộ”.
“Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông. Điều này nhằm giúp các cơ quan Nhà nước có thể thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát các phương tiện tham gia giao thông khi có hành vi vi phạm xảy ra” – Trưởng văn phòng Luật sư Gia đình nói thêm.Theo Luật sư Trần Minh Hùng, sản phẩm quảng cáo trên các phương tiện không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo. Điều này giúp việc bố trí các hình ảnh quảng cáo phù hợp với thị hiếu của người xem, cũng như bảo đảm logo hay biển hiệu, biển kiểm soát của phương tiện không bị che lấp.
Giải thích về vấn đề các phương tiện cá nhân muốn tự quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của họ trên các phương tiện giao thông liệu có bị phạt? Luật sư Trần Minh Hùng phân tích: “Xe cá nhân, xe tư nhân được quyền quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ của chính mình, căn cứ khoản 5, khoản 7 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 về Giải thích từ ngữ, khoản 1 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012 về Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo.
Quảng cáo trên xe taxi là hình thức được nhiều thương hiệu lựa chọn
Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền tự mình quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của chính mình, có quyền quyết định hình thức và phương thức quảng cáo. Tuy nhiên, cần lưu ý quảng cáo phải tuân thủ quy định tại Điều 32 Luật Quảng cáo về Quảng cáo trên phương tiện giao thông đối với các mặt quảng cáo, kích thước cho phép.”
Điều 32 Luật Quảng cáo 2012 về Quảng cáo trên phương tiện giao thông:
1. Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông.
2. Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.